LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÂN BIỆT TRÀ NGON TRÀ DỞ?

Vu Huệ Tăng ( 于慧曾 ) hiện sống ở nước Pháp. Bà là người gốc Đài Loan, một bậc thầy về trà đạo Công Phu và là người nữ duy nhất trong số mười trà sư hàng đầu trên thế giới hiện nay. Với chiếc mũi và vòm miệng phi thường, bà đã dành cả đời mình để đánh hơi kho báu.

Đang vụ trà xuân, giờ chắc hẳn người uống trà đều đang đi tầm một hoặc nhiều loại trà thật ngon phù hợp với khẩu vị của mình. Nhưng làm thế nào khi mua bạn biết được loại trà đó ngon hay dở? Khi được hỏi câu tương tự, trà sư Vu Huệ Tăng cho hay: hãy phát triển các giác quan của chúng ta về mùi và vị. Chọn một loại trà ko có chứa quá nhiều tanin làm thô cứng vòm miệng. Hãy cởi mở và tò mò. Để làm rõ vấn đề trên, xin được lạm bàn đến thực tế. Thông thường, người mua trà thường dựa vào 2 tiêu chí:

- Tiêu chí đầu tiên là bao bì, tên tuổi thương hiệu của hãng trà. Nếu bạn đã được uống loại trà tốt từ chính hãng thì tốt thôi, bạn đã có kinh nghiệm với vị trà đó. Vậy còn những người chưa từng bao giờ uống loại đó thậm chí mới bắt đầu uống trà? Tình trạng “ treo đầu dê bán thịt chó” bên ngoài là bao bì của loại trà tốt nhưng bên trong lại là loại kém phẩm hơn rất nhiều trên thị trường. Bản thân người viết cũng đã từng được tặng một gói trà olong, bao bì bên ngoài là loại thượng phẩm của Đài Loan nhưng bên trong lại là trà Việt. Do vậy, khi mua trà ta không nên đặt niềm tin hoàn toàn ở vỏ bên ngoài gói trà đặc biệt với thị trường trà Trung Quốc.

- Tiêu chí thứ hai, niềm tin của người mua với lời giới thiệu của người bán. 50/50. Bỏ qua câu chuyện đạo đức người bán, có đôi khi thông tin về loại trà người bán được nghe kể lại từ người khác. Thông tin ấy chưa có độ xác thực. Nếu ta mua trà vì câu chuyện hay, thực chất ta đang uống giá trị của câu chuyện chứ không phải đang thưởng thức chân giá trị của chính loại trà đó. Vậy nên, cũng có nhiều bậc trà sư khuyên người uống khi đi mua trà chỉ nên nghe nửa tai là vì lý do như  thế.

Quay trở lại với câu trả lời của trà sư Vu Huệ Tăng. Con người chúng ta không phải ai sinh ra đã có cái mũi, cái lưỡi của các bậc trà sư. Tất cả đều phải trải qua quá trình rèn luyện, tự trao dồi khám phá. Ý của bà là mỗi một người chúng ta hãy rèn luyện vị giác, khứu giác của chính bản thân mình. Hãy khiến chính bản thân tinh tường hơn mỗi một lần tiếp xúc với trà. Chỉ có cách học như vậy mới biến những gì bạn được dạy thành kiến thức của chính bản thân bạn. Có một số điều người viết tổng kết về việc rèn luyện vị và khứu giác như sau:

- Hãy ăn nhạt. Người Việt ăn mặn gấp 2 lần so với trung bình khẩu vị của người dân trên thế giới. Điều này trước tiên là không tốt cho sức khoẻ, sau là khiến người uống khó cảm nhận vị thanh trong trà. Hút thuốc lá, ăn mặn hay uống trà đặc đều là những lý do trực tiếp khiến vòm miệng của chúng ta bị thô cứng. Một số người uống trà lâu năm thậm chí còn chuyển sang ăn chay trường. 

- Tập thói quen sử dụng những sản phẩm từ tự nhiên. Nước hoa, nước xả vải, tinh dầu... những loại có mùi hương quá nồng đều ít được người uống trà lựa chọn bởi lẽ bạn sẽ phá hỏng bầu không khí trong phòng trà nếu bạn bước vào đó và dùng nước hoa quá nhiều. Mùi hương tự nhiên của trà cần một không gian thanh sạch tuyệt đối để người uống được thưởng thức và đắm chìm trong đó.

Chúc các bạn uống trà ngon hay dở, đều vui!